Đã biết nghề nuôi bò thịt vỗ béo, là nghề thu lãi cao, ở Long Phú nghề này đã có một số hộ nông dân đã có thâm niên trên 40 năm, mà vẫn duy trì cho đến ngày hôm nay, nhưng vẫn ăn nên làm ra. Mới đây, chúng tôi có dịp về ấp Tân Lịch, xã Tân Hưng huyện Long Phú, đến thăm trang trại nuôi bò của Ông Huỳnh Văn Be, người đã có thâm niên trên 40 năm sống với nghề nuôi bò thịt vỗ béo này. Nhìn khu chuồng chỉ rộng vài chục mét vuông, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết mỗi năm gia đình ông thu về từ 350 – 400 triệu đồng, từ chăn nuôi bò thịt vỗ béo. Chia sẻ với chúng tôi về cái nghề đã gắn bó với ông từ lâu, và đã trở thành “thương hiệu Hai Be”, ông Hai Be vui vẻ cho biết : “ Vốn xuất thân từ gia đình nghèo, không có đất sản xuất và sau nhiều lần thất bại trong chăn nuôi gà, heo … Năm 1980, gia đình tôi quyết định chuyển hướng tìm mua bò về nuôi vỗ béo rồi bán lại cho các lò mổ để ăn chênh lệch. Bò mua vỗ béo chủ yếu là bò cái, bò đực thuần hoặc lai, không sử dụng vào mục đích sinh sản, kéo cày; bò gầy do thiếu dinh dưỡng, bò hướng thịt hết giai đoạn nuôi lớn. Mặc dù vốn đầu tư lớn, song ưu điểm của nghề này là quay vòng vốn nhanh. Bò mua về sau 03 tháng vỗ béo là có thể xuất bán”.
Hiện nay, trung bình mỗi tuần gia đình ông Be bán ra từ 02 – 03 con bò thịt. Được biết, với mỗi con bò gia đình ông Be thu lãi từ 800 ngàn – 01 triệu đồng, chỉ sau 01 tháng nuôi. Như vậy, với quy mô chăn nuôi từ 15 – 20 con như hiện nay, mỗi tháng ông Be thu lãi từ 13 – 15 triệu đồng, một con số đang mơ ước của không ít hộ nông dân. Khác với ông Be, thay vì chọn mua bò đã trưởng thành về vỗ béo trong thời gian ngắn, gia đình ông Nguyễn Hữu Định, ngụ cùng ấp với ông Hai Be và cùng một số hộ nuôi bò ở xã Tân Hưng này lại ưu tiên lựa chọn đầu vào là những bê con từ 6 – 10 tháng tuổi, nuôi trong thời gian từ 8 – 10 tháng. Mặc dù thời gian nuôi kéo dài, song do chi phí đầu vào giảm và vẫn áp dụng kỹ thuật vỗ béo bò thịt với lượng thức ăn tinh tăng dần trong 03 tháng cuối trước khi xuất bán, lợi nhuận từ chăn nuôi bò thịt của gia đình ông Nguyễn Hữu Định cũng không thua kém là bao so với kiểu nuôi thời gian ngắn. Ông Nguyễn Hữu Định chia sẻ : “ Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi tháng gia đình tôi thu lãi 700 – 800 ngàn đồng/con. Như vậy, với tổng đàn từ 5 – 7 con gia đình tôi thu lãi 4 – 5 triệu đồng/tháng”.

Chú thích ảnh : Ông Huỳnh Văn Be đang cho bò ăn
Mặc dù lợi nhuận cao, ít dịch bệnh, không đòi hỏi chăn sóc cầu kỳ, song, để làm giàu từ nghề nuôi bò vỗ béo lại chẳng hề đơn giản. Đơn cử như tại gia đình ông Huỳnh Văn Be, để đảm bảo lượng xuất bán bình quân từ 2 – 3 con/tuần, cũng như duy trì tổng đàn bò của gia đình ở mức từ 15 – 20 con, ngày nào ông Be cũng phải liên hệ với các thương lái, đi khắp mọi nơi để tìm mua bò (thậm chí ông còn xin phép qua nước bạn Campuchia) mua bò bầy về nuôi vỗ béo. Không chỉ đi lại vất vả, việc lựa chọn bò để vỗ béo cũng không hề dễ dàng, đáng sợ nhất là bò mua về bị bệnh lở mồm, lông móng, không phát hiện, thì bị lây cả chuồng, không những tốn tiền thuốc, thậm chí lỗ cả công vỗ béo đàn bò. Theo ông Nguyễn Hữu Khôi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng : “ Quan trọng nhất và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất trong chăn nuôi bò thịt vỗ béo là khâu lựa chọn ban đầu. Bởi lẻ, không phải con bò nào cũng có thể tăng trưởng tốt. Có những con mặc dù ăn rất nhiều, nhưng không tăng cân, hoặc tăng không đáng kể. Trong khi đó, việc mua bán chủ yếu dựa vào kinh nghiệm chứ không có “công thức” rõ ràng nào cho việc chọn bò. Thực tế đã có không ít trường hợp rơi vào tình trạng nuôi bò không công. Đối với những người mới vào nghề hoặc đang muốn theo nghề, thì đây thực sự là một thách thức không nhỏ”.
Không những vậy, trong 02 năm trở lại đây, cùng với việc nhập khẩu thịt bò Úc, giá thịt bò trong nước có sự sụt giảm đáng kể. Ông Nguyễn Hữu Định cho hay : “ Mặc dù vẫn có hiệu quả kinh tế, song lợi nhuận từ chăn nuôi bò thịt vỗ béo hiện nay không còn cao như trước, thường xuyên bị tư thương ép giá. Cũng bởi vậy mà nhiều hộ dân trong xã chuyển dần sang chăn nuôi bò sinh sản”. Bên cạnh đó, người nuôi bò thịt vỗ béo hiện nay cũng đang phải đối mặt với những khó khăn do tình trạng các bãi chăn thả ngày càng thu hẹp, phải thường xuyên nuôi nhốt tại nhà trong điều kiện chật chội, làm ảnh hưởng tới môi trường.
Ông Huỳnh Hữu Hiếu, Phó Trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Long Phú cho biết : “ Trong thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ sử dụng tinh bò thịt chất lượng cao phối với đàn bò cái nền tạo ra con lai có tầm vóc và chất lượng thịt tốt. Đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng vỗ béo bò thịt để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành, nhằm thúc đẩy chăn nuôi bò thịt phát triển theo hướng hàng hóa, có giá trị kinh tế cao.
Bài và ảnh : Sóc Ca